Bật mí 10 cách vun đắp
tình yêu thương dành riêng cho trẻ

(theo phương pháp giáo dục não phải của Shichida)

Trong hành trình làm cha mẹ, bạn hạnh phúc nhất khi nhìn thấy điều gì ở con? Túi Thần Kỳ cho rằng câu trả lời chính là những khoảnh khắc mà cha mẹ nhận ra con là một đứa trẻ biết-yêu-thương. Con đã dành ánh mắt ấm áp cho các bạn thú nhỏ, gửi lời yêu thương vào hoa lá hay là biết hỏi han, quan tâm ông bà, giúp đỡ bố mẹ,…

Con yêu cha mẹ

Con thương vạn vật và cây lá

Yêu cả những cảm xúc chân thành

Yêu mọi người xung quanh

Và…mỉm cười thiện lành.

Vun đắp tình yêu thương giữa cha mẹ và trẻ thật sự rất quan trọng bởi đây sẽ là nền tảng để hình thành nên tính cách, hành vi của trẻ với xã hội sau này. Như một cái cây được chăm sóc vun xới từ lúc mới nảy chồi, bộ rễ “yêu thương” của con được hình thành, đâm sâu vào lòng đất, hút dưỡng chất “suy nghĩ tích cực” từ cha mẹ. Sau này lớn lên, cành lá xanh mướt ấy sẵn sàng làm bạn với muông thú, mây trời, làm bạn với đời.

Vì vậy, cha mẹ hãy coi mọi tương tác là cơ hội để kết nối với trẻ. Hãy ấm áp trong từng biểu cảm, mắt kết nối mắt, miệng mỉm cười thật tươi…

1. Tìm hiểu về Shichida và phương pháp giáo dục não phải trong hoạt động kết nối yêu thương giữa cho trẻ

Làm thế nào để vun đắp tình yêu thương dành riêng cho trẻ? Có phương pháp cụ thể để thực hành điều này hay không?

Câu trả lời là hoàn toàn có. Bản tin Túi Thần Kỳ ngày hôm nay sẽ chia sẻ tới bạn đọc về giáo sư Shichida và phương pháp giáo dục não phải nổi tiếng của ông. Phương pháp được coi là kim chỉ nam cho hoạt động kết nối tình cảm giữa cha mẹ và con cái.

Shichida là Tiến sĩ trong lĩnh vực giáo dục, tác giả của hơn 160 cuốn sách và nhận được rất nhiều giải thưởng tại Nhật cũng như quốc tế cho những đóng góp của mình đối với lĩnh vực giáo dục sớm (theo trang Shichida Việt Nam).

Phương pháp giáo dục của Shichida được phát triển dựa trên nghiên cứu khoa học và chứng thực về não phải. Kết quả nghiên cứu cho rằng, chúng ta sử dụng tới 90% não trái còn não phải chỉ vỏn vẹn 10%. Kích thích não phải phát triển song song cùng não trái là giải pháp toàn diện nhất cho trẻ từ 0 – 6 tuổi.

Phương pháp không chỉ giúp trẻ phát huy các kỹ năng cơ bản như đọc, làm toán, cảm thụ âm nhạc, vẽ tranh… Bên cạnh đó, Shichida còn thúc đẩy việc hình thành tính cách, năng lực tư duy, tình yêu và tình cảm gia đình thân thiết giữa cha mẹ và con cái.

Sau đây, Túi Thần Kỳ sẽ chia sẻ tới bạn đọc 10 nguyên tắc vun đắp tình yêu thương giữa cha mẹ và trẻ theo hướng dẫn của giáo sư Shichida bạn nhé!

2. Gợi ý 10 cách giúp vun đắp tình yêu thương dành riêng cho trẻ theo phương pháp Shichida

Trước khi đi vào nội dung chi tiết, có một nguyên tắc cơ bản mà cha mẹ cần nhớ trong quá trình nuôi dưỡng tâm hồn trẻ là việc truyền đạt trọn vẹn tình yêu thương tới con trẻ. Một trái tim nhân hậu, một tấm lòng biết sống vì mọi người chính là nền móng vững chắc để phát huy tối đa mọi năng lực trí tuệ tiềm ẩn bên trong trẻ.

2.1. Chu đáo với mọi người

“Chu đáo” dường như là cụm từ bạn ít dùng, đặc biệt là với con trẻ. Tuy nhiên cha mẹ hãy suy nghĩ một cách đơn giản hơn, đó là việc quan sát mọi người xung quanh và đưa ra những hành động phù hợp. Chẳng hạn, trong gia đình có 3 thế hệ: ông bà, bố mẹ và con cái. Việc cha mẹ luôn chu đáo hỏi thăm, quan tâm đến sức khỏe của ông bà trước mặt trẻ cũng dần giúp con có thói quen tốt này. Mở rộng hơn nữa là sự chu đáo với hàng xóm, sự quan tâm tới bạn bè trên lớp, thầy cô hoặc ngay cả với người lạ lần đầu gặp mặt. Một đứa trẻ học được tính cách chu đáo sau này chắc chắn sẽ là một người sống tình cảm, giàu tình thương yêu.

2.2 Luôn giữ thái độ khiêm nhường

Khiêm nhường là đức tính quý mà không dễ dàng rèn luyện được. Tuy vậy với con trẻ, bạn hoàn toàn có thể giúp con có thái độ khiêm nhường thông qua những bài học nhỏ từ thực tế cuộc sống. Bản thân cha mẹ là người đầu tiên cần rèn luyện sự khiêm nhường, kỹ năng quan sát, nhận xét sau đó tổng hợp thành một câu chuyện để chia sẻ với con. Tuy nhiên con cần phân biệt được sự khác nhau giữa khái niệm khiêm nhường – tự ti – tự tin. Khiêm nhường không có nghĩa là tự ti, không dám bày tỏ quan điểm, cảm xúc, suy nghĩ của cá nhân mình.

2.3 Nuôi dưỡng cảm xúc chân thật

Sẽ ra sao nếu ngay từ nhỏ trẻ không được nuôi dưỡng cảm xúc chân thật? Phải chăng trẻ rất dễ trở thành một người thiếu thành thật ngay cả với chính bản thân mình? Vậy nên, nuôi dưỡng cảm xúc chân thật là việc cha mẹ cần đặc biệt lưu tâm trong quá trình đồng hành cùng con. Cha mẹ hãy khuyến khích con ghi nhận những cảm xúc đang có như: vui vẻ, hạnh phúc, buồn, giận dữ, nóng giận… Sau đó gợi ý cho con những “người bạn hành động” với cảm xúc đó.

Ví dụ như: Con vui con có thể hát, nhảy múa, chạy vòng quanh hoặc kể với cha mẹ

                  Con buồn, con có thể khóc, la hét một chút hoặc tâm sự cùng cha mẹ…

2.4 Luôn duy trì lòng biết ơn

Lòng biết ơn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu và với bất cứ đối tượng nào. Cha mẹ hãy dạy con duy trì lòng biết ơn với những gì mà trẻ đang có, như một bữa ăn ngon, một bộ quần áo đẹp, một đôi dép xinh, một lời chào thân thiện từ bác bảo vệ, một nụ cười từ người bạn mới quen khu vui chơi… Khi có lòng biết ơn, con sẽ cảm nhận được cuộc sống đủ đầy và ý nghĩa trọn vẹn.

2.5 Quan sát, để ý đến xung quanh

Theo bản năng, con người thường coi mình là “trung tâm của vũ trụ” mà thường không để ý đến người khác. Bởi vậy dạy trẻ nuôi dưỡng cảm xúc, tình cảm, kỹ năng quan sát xung quanh là điều cần thiết. Trẻ thấy thương bạn mèo bị đau chân, trẻ lo lắng khi nhìn thấy cây non bị rỗ lá, trẻ băn khoăn khi thấy bạn cùng lớp khóc thật to… Đó là những “sợi dây cảm xúc” mà con dùng để kết nối với thế giới quan xung quanh mình.

2.6 Luôn sẵn sàng giúp đỡ

Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta luôn cần sự giúp đỡ của bạn bè, gia đình, đồng nghiệp. Bên cạnh đó, chúng ta cũng sẵn sàng cho đi sự giúp đỡ với những mối quan hệ thân quen hoặc xa lạ mà không màng đáp trả. Niềm hạnh phúc khi có thể giúp đỡ ai đó nên được cha mẹ lan tỏa, vun đắp cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Hãy khơi gợi hành động ý nghĩa này ở trẻ bằng cách làm gương hoặc cha mẹ “cố tình” tạo tình huống cần sự giúp đỡ của trẻ. Dần dần, con sẽ có thói quen giúp đỡ ông bà, cha mẹ, bạn bè, thầy cô hoặc thậm chí vật nuôi, đồ đạc…trong nhà. Tuy nhiên, có một nội dung mà cha mẹ cần đặc biệt chú ý đó là nguyên tắc “giúp đỡ an toàn”. Trẻ em rất dễ bị lợi dụng hoặc lừa gạt nếu gặp phải đối tượng xấu. Vì vậy, cha mẹ hãy hướng dẫn con trẻ cách giao tiếp với người lạ và chỉ nhận lời giúp đỡ người khác khi có sự đồng ý từ cha mẹ cho hoạt động đó.

2.7 Mỉm cười thật  

Khoa học đã chứng minh, cha mẹ và trẻ càng dành thời gian giao tiếp tích cực và cười đùa cùng nhau thì trẻ càng phát triển khỏe mạnh, ít bệnh vặt, chỉ số IQ, EQ cũng sẽ được cải thiện rõ rệt.

Nụ cười cũng giúp con cảm nhận được tình yêu thương từ cha mẹ, tạo nên tinh thần lạc quan trong từng suy nghĩ, hành động của trẻ. Mỉm cười cũng giúp trẻ em kết nối với thế giới bên ngoài một cách tự nhiên, gần gũi và ấm áp.

2.8 Không ngừng cống hiến

Cha mẹ hãy kể câu chuyện kể về nhà khoa học Marie Curie – một minh chứng sinh động nhất cho nỗ lực không ngừng cống hiến cho xã hội. Sự cống hiến, hi sinh của bà đã giúp cho khoa học phóng xạ phát triển, đặt nền móng cho việc sử dụng phóng xạ vào điều trị căn bệnh ung thư. Nếu như mỗi đứa trẻ ngay từ khi còn nhỏ, được nuôi dưỡng suy nghĩ không ngừng cố gắng, không ngừng cống hiến điều tốt đẹp cho xã hội, chắc chắn thế giới sẽ trở lên tốt đẹp hơn bao giờ hết.

2.9 Hành động chia sẻ

Chia sẻ là hành vi khó tiếp cận với trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Trong thời kỳ này, dường như thế giới xung quanh là của trẻ, trẻ không sẵn sàng để sẻ chia bất kỳ điều gì với ai. Tuy nhiên, độ tuổi này trẻ cũng có đặc điểm dễ bị thuyết phục và nhanh quên, nên cha mẹ hoàn toàn có thể kiên trì dạy con bài học về sự chia sẻ qua những hành động nhỏ, thiết thực. Chia sẻ đồ với bạn để cùng chơi vui vẻ, chia sẻ món ăn ngon con có…Cha mẹ hãy làm gương cho trẻ và cùng thể hiện sự thích thú trong cả hai vai trò (người được chia sẻ và người chia sẻ).

2.10 mình thật là may mắn

Luôn cảm thấy may mắn là một trong những tư duy tích cực rất hữu ích trong việc vun đắp tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ có thể kể cho con nghe câu chuyện về những bạn nhỏ gặp khó khăn trong cuộc sống, hoặc cho trẻ tham gia các hoạt động giúp đỡ cộng đồng. Từ đó, trẻ dễ dàng yêu thương, chia sẻ với mọi người xung quanh và dễ dàng vượt qua những khó khăn của cuộc sống một cách nhẹ nhàng.

3. Đôi lời từ túi thần kỳ

Làm thế nào để vun đắp tình thương cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ là câu hỏi không hề dễ trả lời. Tuy nhiên, chỉ cần cha mẹ dành thời gian lắng nghe, đồng hành và chia sẻ cùng con mỗi ngày. Thông qua 10 cách “yêu thương” của giáo sư Shichida, Túi Thần Kỳ tin rằng cha mẹ đã có được cẩm nang cảm xúc trọn vẹn cùng con trong những năm tháng đầu đời.




Happy Family! Happy Kids! 

Túi Thần Kỳ – Bảo bối của sự kết nối!

Welcome Túi Thần Kỳ

Có thể bạn muốn Đọc Thêm

Giới thiệu Túi Thần Kỳ - The Magic Bag

Túi Thần Kỳ – The Magic Bag

Túi Thần Kỳ là nơi cha mẹ tìm thấy các trò chơi tương tác thú vị với trẻ mỗi ngày. Nhờ đó, gia đình thêm gắn kết, con phát triển tư duy và sáng tạo.

Read More »

Cắt giấy in tranh từ họa tiết thiên nhiên dành riêng cho trẻ

Với trẻ nhỏ, khả năng tưởng tượng và sáng tạo là không giới hạn. Và sẽ còn tuyệt vời hơn khi kết hợp giữa sự sáng tạo đó và vẻ đẹp của thiên nhiên. Đừng chần chờ gì nữa, hãy cùng khám phá ngay trò chơi “Cắt giấy in tranh từ họa tiết thiên nhiên dành riêng cho bé” của Túi Thần Kỳ bạn nhé!

Read More »