6 cách suy nghĩ và hành động tích cực dành cho cha mẹ khi con nói “Không”

Tony, con có thể cất dép của mình vào kệ được không? 

– Không, mẹ làm giúp con với!

Tony ơi, con giúp mẹ bỏ vỏ hộp yakult vào thùng rác nhé! 

– Không, con không biết làm mẹ ạ!

Tony à, con cất đồ chơi sau khi chơi xong nha! 

– Không, lát nữa con lại chơi mà.

Tony, con tự xúc cơm ăn nha, mẹ thấy con cầm thìa tốt lắm rồi nè. 

– Không, con không tự xúc ăn đâu, con chỉ xúc ăn ở lớp thôi.

Tony ơi, bây giờ đã muộn quá rồi, chúng ta cất đồ chơi để đi ngủ nhé! 

– Không, con vẫn muốn chơi nữa…

Cha mẹ đã bao giờ gặp phải tình huống như trên chưa? Mọi lời đề nghị nhẹ nhàng của chúng ta đều bị từ chối một cách thẳng thắn, không nề hà từ các “big boss”. Khi gặp quá nhiều từ “Không”, cha mẹ trở lên mệt mỏi, căng thẳng và khó kiểm soát cảm xúc của mình. Có thể cha mẹ sẽ nói vài câu nặng lời với con và những cuộc tranh luận chẳng có điểm dừng diễn ra, đôi khi là, một cái nhéo tai thật đau hoặc tiếng la hét, khóc lóc váng đầu…

Vậy có khi nào cha mẹ tự hỏi bản thân mình rằng:

    • Tại sao con lại nói “Không” nhiều như vậy nhỉ?

    • Làm thế nào để biến từ “Không” kia thành “Có”?

Cha mẹ hãy cùng Túi Thần Kỳ đi tìm câu trả lời cho những băn khoăn ở trên qua bài viết hôm nay nhé.

Tại sao trẻ lại nói “Không”?

Dừng lại một chút để quan sát, cha mẹ sẽ nhận ra rằng, đến một độ tuổi nhất định, trẻ có nhu cầu tự làm chủ và thể hiện điều đó qua cả suy nghĩ, hành động. Con muốn làm điều mình thích, muốn tự do khám phá, muốn tự ra quyết định và có “tiếng nói” trong gia đình.

Hiểu được nguyên nhân rồi, vậy thì cha mẹ phải làm sao? Chấp nhận câu trả lời “Không” hay là từ chối? Nếu chấp nhận thì chấp nhận thế nào, nếu từ chối thì cách từ chối ra sao?

“Không” được chấp nhận và “Không” bị từ chối

Sau khi quản lý được cảm xúc của mình (không nổi giận), cha mẹ nên bình tĩnh xem xét câu trả lời “Không” của con có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc nguy cơ mất an toàn cho trẻ hay không. Cha mẹ có thể tham khảo thước đo nguy cơ và hành động tương ứng mà Túi Thần Kỳ cung cấp dưới đây:

“Không” Có thể chấp nhận được “Không” cần cân nhắc, xem xét “Không” Không thể chấp nhận được
–         Không gây ra hậu quả nghiêm trọng –         Không có nguy cơ mất an toàn cho trẻ –         Có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng –         Có thể xảy ra nguy cơ mất an toàn cho trẻ –         Chắc chắn gây ra hậu quả nghiêm trọng –         Chắc chắn có nguy cơ mất an toàn cho trẻ

Như vậy, cha mẹ cần thiết lập quy ước cho riêng mình để có hành động phù hợp khi nhận được câu trả lời “Không” từ trẻ.

    • Chấp nhận từ “Không” khi chắc chắn câu trả lời đó không có nguy cơ mất an toàn hoặc hậu quả nào với trẻ.

    • Cha mẹ nên xem xét, cân nhắc khi câu trả lời là có thể gây mất an toàn, hậu quả nghiêm trọng.

    • Cha mẹ cần mạnh mẽ từ chối trong trường hợp chắc chắn sẽ có hậu quả nghiêm trọng hoặc nguy cơ mất an toàn nếu trẻ “Không” thực hiện.

Ví dụ: Khi trẻ đang cầm phích cắm điện, chắc chắn trẻ sẽ có nguy cơ bị điện giật, vì vậy cha mẹ nên thẳng thắn từ chối hành động này của con và giải thích về mức độ nguy hiểm của điện để con hiểu.

Tuy nhiên, hành trình làm cha mẹ có rất nhiều băn khoăn và việc chấp nhận từ “Không” của con cũng không hề dễ dàng.

Hiểu rõ tâm lý này của cha mẹ, chúng mình đưa ra 6 cách suy nghĩ và hành động tích cực dành cho cha mẹ khi con nói “Không” (áp dụng trong trường hợp “Không” có thể chấp nhận được hoặc cần cân nhắc, suy nghĩ). Mời bạn đọc cùng khám phá tiếp ở phần ngay sau đây nhé!

6 cách suy nghĩ và hành động tích cực dành cho cha mẹ khi con nói “Không”

(Áp dụng trong trường hợp “Không” có thể chấp nhận hoặc cần cân nhắc, xem xét)

1. Nói “Không” thể hiện trẻ đang phát triển tư duy phản biện

Dựa vào những nghiên cứu gần đây, các nhà giáo dục đã hoàn toàn tin tưởng rằng trường học nên tập trung hơn vào việc dạy học sinh tư duy phản biện.

Tư duy phản biện là sự tiếp nhận thông tin một cách chủ động. Cụ thể hơn, đó là quá trình tư duy, lập luận và phản bác lại kết quả của một tư duy khác. Từ đó, giúp chúng ta xác định được tính chính xác của thông tin ban đầu (theo Wikipedia).

Như vậy khi trẻ em nói “Không”, đó là hành động đầu tiên chứng tỏ sự phát triển “Tư duy phản biện”. Thay vì ngay lập tức phản đối, cha mẹ hãy thử suy nghĩ tích cực rằng bé đang phát triển “Tư duy phản biện”. Chúng ta cần lắng nghe và tôn trọng quyết định của con. Con có quyền nói “Không” và điều đó sẽ không làm thay đổi tình yêu mà cha mẹ dành cho con.

Gợi ý hành động phù hợp cho cha mẹ lúc này là đưa ra quyền lựa chọn cho con, tốt nhất nên là 2 lựa chọn có tính tương đồng. Biện pháp này giúp trẻ tập trung vào việc lựa chọn các phương án thay vì nói “Không”.

Ví dụ: Thay vì yêu cầu trẻ: “Bé ơi, đi tắm nào” thì cha mẹ sẽ đưa ra 2 tình huống để trẻ cân nhắc lựa chọn: “Con muốn tắm vòi hoa sen hay tắm trong bồn?”. Trẻ sẽ chuyển sang việc suy nghĩ lựa chọn thay vì từ chối hành động đi tắm.

2. Cha mẹ có thể chấp nhận “Không” của con không?

Cũng giống như người lớn, trẻ có vòng tròn kết nối và mối quan tâm của riêng mình. Soi chiếu vào chính bản thân chúng ta, bạn có muốn con lúc nào cũng nói “Vâng ạ” trong mọi đề nghị của người lớn? Câu trả lời có lẽ là không. Chúng ta không muốn trẻ như vậy.

Do đó, học cách lắng nghe và đặt mình vào vị trí của trẻ là cách suy nghĩ tích cực dành cho cha mẹ lúc này. Cha mẹ hãy chấp nhận con nói “Không” nếu việc đó không gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc nguy cơ mất an toàn.

“Chấp nhận từ “không” một cách ân cần sẽ giúp người khác chấp nhận “không” từ bạn, thậm chí, nó còn giúp phát triển mối quan hệ chân thành một cách lâu bền” – theo Rue Kream.

3. Cuộc chiến tranh nào cũng có thể kết thúc trong hoà bình

Như đã phân tích ở trên, trẻ nói “Không” bởi nhu cầu tự làm chủ. Con đang tận dụng mọi cơ hội để chứng tỏ điều đó.

Tuy nhiên, nhiều cha mẹ cũng muốn chứng minh quyền lực của mình với trẻ. Bạn cho rằng mình là người lớn, mình luôn đúng, trẻ con không biết gì nên cần nghe lời.

Cứ như thế, cuộc đấu tranh quyền lực không cân tài, cân sức xảy ra giữa cha mẹ và trẻ. Cuối cùng, chỉ còn lại những cơn giận lôi đình của người lớn và nước mắt ngắn dài của con (thứ vũ khí mạnh nhất của hai bên).

Cách suy nghĩ và hành động tích cực trong tình huống này là, cha mẹ hãy tôn trọng trẻ. Một mối quan hệ bình đẳng giữa trẻ và cha mẹ là hoàn toàn cần thiết. Cha mẹ hãy sử dụng kỹ năng đàm phán, trao đổi tích cực và khuyến khích hợp tác hơn là cuộc đấu tranh quyền lực.

Ví dụ: Thay vì đưa ra yêu cầu: “Mang cho mẹ quyển sách A”, cha mẹ có thể chuyển thành lời đề nghị: “Con có thể lấy giúp mẹ quyển sách A được không?”. Với cách trò chuyện bình đẳng, hợp tác như vậy, con sẽ cảm thấy thoải mái và dễ dàng đồng ý hơn.

4. Yêu cầu của cha mẹ có hợp lý hay không?

Trước khi đánh giá hành động nói “Không” của trẻ là hợp lý hay không hợp lý, cha mẹ nên xem xét trước yêu cầu của mình đã thực sự phù hợp hay chưa? Liệu trẻ có đang vô thức học cách sử dụng từ “Không” từ cha mẹ hoặc môi trường xung quanh không?

 Một số nguyên tắc mà cha mẹ nên tham khảo đó là:

–         Nói từ “Không” với trẻ trong trường hợp cần thiết như: Không động vào dây điện, Không động vào lửa, Không đi sang đường một mình…(Liên quan đến sự an toàn)

–         Thay đổi từ ngữ giao tiếp, tránh dùng từ “Không” quá nhiều, thay vào đó là các từ có ý nghĩa tương đồng nhưng mang ý nghĩa tích cực hơn.

Ví dụ: Thay vì nói: “Không, con không được xem điện thoại”, bạn hãy nói: “Giờ chúng ta sẽ ăn tối, sau đó hai mẹ con mình cùng học tiếng Anh trên điện thoại nhé!”.

 5. “Không” không phải là kết thúc của một cuộc trò chuyện

Nghe từ “Không” thường gây khó chịu vì chúng ta cho rằng đó là kết thúc của một cuộc trò chuyện. Rằng những đứa trẻ đã quyết định và bây giờ chúng ta sẽ phải chấp nhận “Không” của chúng hoặc buộc trẻ phải tuân thủ. Nhưng đây không phải là hai cách duy nhất!

Giải pháp ở đây là, cha mẹ hãy tiếp tục cuộc trò chuyện, lắng nghe và khuyến khích trẻ bày tỏ cảm xúc. Việc trẻ mở lòng chia sẻ vì sao con nói “Không” cũng sẽ giúp người lớn chúng ta hiểu trẻ hơn từ đó tìm được tiếng nói chung cho cả đôi bên.

Ví dụ: Trẻ đi siêu thị và không muốn về nhà. Nếu cha mẹ không giữ được bình tĩnh và lắng nghe con, rất có thể một cuộc chiến sẽ xảy ra.

Tuy nhiên, ở một phân cảnh khác, cha mẹ bình tĩnh hỏi con vì sao con không muốn về? Trẻ nói vì cha mẹ đã hứa từ tuần trước sẽ mua kem khi đi siêu thị mà bây giờ cha mẹ không mua.

Bạn thấy đó, tất cả hành động của trẻ đều có nguyên do của nó. Cha mẹ đừng để từ “Không” kết thúc cuộc trò chuyện, hãy lắng nghe, quan sát để cùng gỡ rối vấn đề.

6. “Không” là cơ hội để cha mẹ kết nối với con

Xử lý tình huống con nói “Không” thực sự là cơ hội để cha mẹ kết nối với trẻ. Khi cha mẹ đã quen với việc tìm cách thay đổi “Không” của con, thường xuyên đưa ra giải pháp phù hợp, đây cũng là lúc sợi dây kết nối của cha mẹ và con cái đã trở nên bền chặt hơn.

Lối suy nghĩ này có thể mất nhiều thời gian luyện tập, đòi hỏi sự kiên nhẫn và bình tĩnh từ cha mẹ. Một hành động tích cực mà cha mẹ nên thực hiện nhiều hơn với con đó là: lời động viên tích cực và sự ghi nhận chân thành.

Trẻ em rất thích được khen ngợi hoặc nhận sự đánh giá tốt từ cha mẹ. Vì vậy, thay vì nói với trẻ: “Con thật là bừa bộn, cất dọn đồ chơi đi ngay” cha mẹ có thể chuyển sang câu khen ngợi: “Mọi ngày mẹ thấy con hay cất đồ chơi gọn gàng lắm, hôm nay con cũng sắp xếp như vậy nhé”.

Đôi lời từ Túi Thần Kỳ

Cha mẹ thấy đó, “Không” không phải là một từ xấu, một vấn đề nghiêm trọng hoặc một trường hợp khẩn cấp. Theo những cách suy nghĩ tích cực được chia sẻ ở trên, “Không” là một cơ hội để chúng ta lắng nghe, đồng cảm và kết nối với con trẻ. Thông qua bài viết này, Túi Thần Kỳ hi vọng sẽ giúp cha mẹ bước qua cảm xúc mệt mỏi khi nghe từ “Không” của trẻ. Thay vào đó, cha mẹ và trẻ đều cảm thấy vui vẻ, thích thú bởi đã tìm ra một góc nhìn khác để giao tiếp với con hiệu quả, tích cực hơn.




Happy Family! Happy Kids! 

Túi Thần Kỳ – Bảo bối của sự kết nối!

Welcome Túi Thần Kỳ

Có thể bạn muốn Đọc Thêm

Giới thiệu Túi Thần Kỳ - The Magic Bag

Túi Thần Kỳ – The Magic Bag

Túi Thần Kỳ là nơi cha mẹ tìm thấy các trò chơi tương tác thú vị với trẻ mỗi ngày. Nhờ đó, gia đình thêm gắn kết, con phát triển tư duy và sáng tạo.

Read More »

Cắt giấy in tranh từ họa tiết thiên nhiên dành riêng cho trẻ

Với trẻ nhỏ, khả năng tưởng tượng và sáng tạo là không giới hạn. Và sẽ còn tuyệt vời hơn khi kết hợp giữa sự sáng tạo đó và vẻ đẹp của thiên nhiên. Đừng chần chờ gì nữa, hãy cùng khám phá ngay trò chơi “Cắt giấy in tranh từ họa tiết thiên nhiên dành riêng cho bé” của Túi Thần Kỳ bạn nhé!

Read More »